Sân khấu công lập và xã hội hóa TP.HCM: Chung tay tạo không gian văn hóa, nghệ thuật
VHO- Những ngày qua, chương trình quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật (VHNT) tiêu biểu, có nội dung thiết thực về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đang diễn phục vụ tại nhiều địa phương, đơn vị, trường học trên địa bàn TP.HCM. Đợt quảng bá đã mang lại hiệu ứng tích cực, thu hút đông đảo khán giả, qua đó lan tỏa nhiều hơn giá trị nghệ thuật đến với công chúng.
Cảnh trong vở “Rặng trâm bầu”
Phó Giám đốc Nhà hát Kịch TP.HCM Trần Quý Bình cho biết, đây được xem là đợt biểu diễn quảng bá đầu tiên với danh nghĩa Sở VHTT TP.HCM chỉ đạo, nhằm kết nối, phát huy không chỉ các đơn vị nghệ thuật công lập, mà cả các sân khấu xã hội hóa cùng đưa tác phẩm VHNT chất lượng cao đến với công chúng. Nhà hát Kịch TP.HCM được phân công phối hợp cùng các đơn vị thực hiện. Qua đó để thấy sự đóng góp, chia sẻ trách nhiệm của cả cộng đồng trong việc tạo không gian VHNT tại TP.HCM.
Có tổng cộng 30 suất diễn phục vụ đợt này, trong đó 10 suất dành cho tác phẩm múa Huyền thoại rừng Sác (Đoàn văn công Quân khu 7) và kịch múa Tổ quốc (Trường Trung cấp Múa TP.HCM); 20 suất quảng bá cho 4 vở kịch: Cuộc hành trình tìm bức chân dung (Nhà hát Kịch TP.HCM), Cánh đồng rực lửa (Sân khấu Kịch Quốc Thảo), Rặng trâm bầu (Sân khấu Trịnh Kim Chi) và Đại náo Long cung (Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ). Đây là những vở kịch từng đoạt giải cao tại các liên hoan, hội diễn, gây ấn tượng với khán giả bởi nội dung khắc họa được một thời hào hùng của dân tộc, đồng thời độc đáo bởi cách dàn dựng sáng tạo. Tới nay, chương trình đã đi gần hết chặng đường, đến ngày 7.12 là kết thúc đợt diễn phục vụ.
Chia sẻ với Văn Hóa sau hai suất diễn tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi Quận 10 và TP Thủ Đức vừa qua, NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ bày tỏ: “Tôi thật sự xúc động khi chứng kiến cảnh đông đảo học sinh đến xem kịch. Các em nồng nhiệt, háo hức và tương tác sôi nổi với nghệ sĩ, bày tỏ thương - ghét nhân vật rất rõ ràng. Qua đó cho thấy, các vở kịch đã mang đến bài học về đạo đức, cách ứng xử cho học sinh thật sự hiệu quả. Có em kể, đây là lần đầu được xem kịch, chứng tỏ học sinh đang rất thiếu sân chơi nghệ thuật, vì thế chúng ta cần tổ chức thường xuyên hơn những chương trình như thế này”.
Đáng chú ý, lần đầu tiên sau nhiều năm kêu gọi và chờ đợi, các sân khấu xã hội hóa đã được hỗ trợ kinh phí để mang tác phẩm của mình tiếp cận số đông khán giả. Theo NSƯT Trịnh Kim Chi, đây là cơ hội để các diễn viên cùng hội ngộ với công chúng, giới thiệu những tác phẩm có ý nghĩa. “Được chọn để diễn trong đợt quảng bá này, chúng tôi rất vui mừng. Sân khấu xã hội hóa mà được quan tâm như vậy là động lực để chúng tôi mạnh dạn đầu tư thêm nhiều vở diễn về đề tài lịch sử - cách mạng”, NSƯT Trịnh Kim Chi nói.
NSƯT Mỹ Uyên cũng cho hay: “Chúng tôi mong mỏi đã 10 năm nay rồi, vì thế khó khăn nào chúng tôi cũng không ngại, tất cả đều hướng tới mục đích đến gần với khán giả. Số buổi diễn quảng bá dù chưa nhiều nhưng cũng rất đáng quý, hy vọng thời gian tới, các sân khấu xã hội hóa tiếp tục nhận được sự quan tâm này”.
Kịch múa “Tổ quốc” của Trường Múa TP.HCM biểu diễn quảng bá tại Trường ĐH Văn hóa TP.HCM
Chia sẻ thông tin về kinh phí hỗ trợ “liệu có đủ để các đơn vị trang trải?”, ông Nguyễn Anh Kiệt, Giám đốc Nhà hát Kịch TP.HCM cho biết, “dù nguồn kinh phí không thể đáp ứng nhu cầu nhưng cũng đủ để các đơn vị cân đối, trang trải và không vì thế mà các diễn viên không nhiệt tình, chương trình không chất lượng. Trong các cuộc họp vừa qua, chúng tôi đã thống nhất mục tiêu chung là đem tác phẩm VHNT đến đại đa số khán giả, tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất một số nơi hạn chế nên hiệu ứng chưa thể như diễn ở sân khấu chuyện nghiệp”.
Đạo diễn Hoàng Tấn chia sẻ thêm, trong gói kinh phí Nhà nước hỗ trợ, các đơn vị sẽ linh động để đảm bảo suất diễn chất lượng nhất. Đối với Cuộc hành trình tìm bức chân dung, do cảnh trí trang bị từ năm 2020 đến nay đã xuống cấp, Nhà hát sẽ trang bị lại để đảm bảo vở diễn hấp dẫn như khi diễn ở nhà hát chuyên nghiệp.
Tương tự, NSƯT Trịnh Kim Chi cho hay, vở Rặng trâm bầu dàn dựng từ 2018 nên cảnh trí cũng hư hao, đơn vị đã bổ sung hoàn chỉnh với mong muốn đưa tác phẩm mình đến được với khán giả nhiều hơn. Đến nay, Rặng trâm bầu đã diễn được hơn 60 suất, vừa bán vé vừa phục vụ quảng bá theo sự phân công của TP.
Theo ông Lâm Hữu Đức, Trưởng phòng Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM: “Sau đợt diễn này, sang năm 2024, chúng tôi tham mưu cho Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở VHTT quảng bá 19 tác phẩm, trong đó có hai tác phẩm kịch và các tác phẩm thuộc nhiều loại hình khác”.
Về kinh phí, ông Lâm Hữu Đức cho biết, nội dung này đang được giao cho Sở VHTT tham mưu UBND TP phân bổ hằng năm cho các vở diễn. “Tất nhiên, kinh phí chưa thể đáp ứng nhu cầu nhưng UBND TP cân nhắc, cân đối duyệt kinh phí đúng quy định nhà nước. Đó là sự nỗ lực rất lớn của TP trong việc quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để đưa các tác phẩm hay, ý nghĩa đến với khán giả”, ông Đức bày tỏ và cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ từ phía nhà nước thì các đơn vị nghệ thuật cũng cần chủ động tiếp cận, kết nối với cơ sở, địa phương để “chào hàng” tác phẩm của mình, nhất là vào các dịp lễ, Tết, điều này sẽ góp phần quảng bá tác phẩm VHNT một cách đồng bộ và đi vào chiều sâu hơn.
THÙY TRANG